02/12/2024
Lượt xem: 192
Giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện dự án “Hoàn thiện quy trình chế biến, mô hình liên kết sản xuất sản phẩm xoài cát chu sấy dẻo theo công nghệ sấy lạnh tại xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung”
Sáng ngày 29/11/2024, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tư vấn giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện dự án “Hoàn thiện quy trình chế biến, mô hình liên kết sản xuất sản phẩm xoài cát chu sấy dẻo theo công nghệ sấy lạnh tại xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung”. Kết quả, Hội đồng thống nhất chọn Hợp tác xã Nông nghiệp An Phát là đơn vị chủ trì thực hiện dự án và KS. Nguyễn Văn Lĩnh làm Chủ nhiệm dự án.

Huyện Cù Lao Dung với đặc thù thổ nhưỡng và khí hậu rất phù hợp phát triển một số loại cây ăn trái như: xoài tại xã An Thạnh 1, thanh nhãn tại xã An Thạnh Tây, nhãn Ido tại xã An Thạnh Nam,... Với định hướng phát triển các loại trái cây chủ lực của huyện Cù Lao Dung là xoài, bưởi, nhãn Ido, thanh nhãn, thanh long và dừa, ổi. Xã An Thạnh 1, là một xã thuộc huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng nằm ở đầu Cù lao, cuối nguồn Sông Hậu với diện tích đất tự nhiên trên 3.114 ha, trong đó đất nông nghiệp trên 1.357 ha, đây là vùng đất phù sa bồi lắng, rất màu mỡ, thích hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, nhất là cây ăn trái. Trong đó phải kể đến xoài Cát Chu, là giống xoài truyền thống của địa phương từ lâu đời.
Trên địa bàn huyện đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung được cấp mã số vùng trồng như: Vùng trồng xoài Cát Chu, vùng trồng xoài Đài Loan tại xã An Thạnh 1; vùng trồng Thanh nhãn tại xã An Thạnh Tây; vùng trồng nhãn Ido tại xã An Thạnh Nam. Trong đó, diện tích trồng xoài tại huyện Cù Lao Dung đã phát triển hơn 500 ha, tập trung nhiều ở xã An Thạnh 1 là 365 ha (chiếm gần 30% diện tích đất sản xuất), với trên 200 ha xoài Cát Chu, gần 90 ha xoài Đài Loan. Xã An Thạnh 1 đã và đang áp dụng một số kỹ thuật như: sản xuất theo quy trình VietGap, bao trái bằng túi giấy chống thấm, nhằm tái sử dụng 2-3 lần; thực hiện truy xuất nguồn gốc trên xoài Đài Loan và Cát Chu, xây dựng nhãn hiệu tập thể trên xoài Cát Chu,… mang lại chất lượng cho trái xoài và hiệu quả kinh tế cao. Cây xoài Cát Chu có năng suất rất cao, dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất, nhất là đất phù sa ven Sông Hậu. Năng suất bình quân đối với xoài Cát Chu đạt 8 đến 10 tấn/ha. Loại quả này có mùi thơm đặc trưng, ít xơ khác biệt so với giống xoài cùng loại trên các địa bàn khác. Đây là đặc điểm cần lưu trữ và quảng bá với người tiêu dùng. Tuy nhiên, xoài cát chu có nhược điểm thời gian chín nhanh, cấu trúc nhũn khi chín làm người tiêu dùng hạn chế sử dụng. Hơn thế nữa, vào thời điểm chính vụ, sản lượng xoài lớn, giá giảm, vận chuyển kém làm giá trị của xoài giảm đáng kể.
Hiện tại, các loại trái cây sấy dẻo, sấy giòn trên thị trường rất được ưa chuộng. Bởi khẩu vị chiếm được cảm tình đa số người tiêu dùng. Xoài sấy dẻo là một phương pháp chế biến mới lạ, hình thức đơn giản từ việc tách nước từ thực phẩm tươi nhưng giữ lại độ ẩm ở mức dẻo thơm. Xoài sấy dẻo còn cung cấp vitamin C, vitamin A, canxi và sắt cần thiết cho cơ thể.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, Hợp tác xã Nông nghiệp An Phát đề xuất triển khai thực hiện dự án “Hoàn thiện quy trình chế biến, mô hình liên kết sản xuất sản phẩm xoài cát chu sấy dẻo theo công nghệ sấy lạnh tại xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung” trong 12 tháng từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với mục tiêu là hoàn thiện quy trình chế biến xoài cát chu sấy dẻo theo công nghệ sấy lạnh, xây dựng thành công mô hình liên kết sản xuất và phát triển sản phẩm xoài sấy dẻo của xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung nhằm tạo ra sản phẩm mới đa dạng và mang tính đặc trưng cho địa phương, góp phần nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn huyện và xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Hội đồng thống nhất giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp An Phát chủ trì thực hiện và KS. Nguyễn Văn Lĩnh làm Chủ nhiệm dự án. Tuy nhiên, đơn vị chủ trì và Chủ nhiệm dự án phải hoàn chỉnh Thuyết minh dự án theo ý kiến góp ý của Hội đồng.
Tác giả: Đặng Thị Kim Tuyến